Năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình yên
Phan_7
Khi đến, không cần mang theo một trái tim tham Thiền ngộ đạo, gió nơi này sẽ tẩy sạch bụi trần cho bạn, cho dù bạn chỉ là xương cốt phàm tục, linh hồn cũng có thể trong sạch như hoa sen. Phóng tầm mắt ngắm nước xanh núi xa, đưa lại gần nhìn rừng Thiền bóng Phật, chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi, nỗi buồn đau của ngày hôm qua đổi thành sự thông suốt của ngày hôm nay, những mê đắm của quá khứ đổi thành sự thức tỉnh của giờ khắc này. Đây chính là Phật quốc, là Thiền cảnh, bạn không cần thực sự truy tìm sự yên tĩnh, mà vẫn có thể cảm nhận được sự siêu phàm thoát tục của chùa miếu, bạn không cần cố ý học lòng khoan dung, mà vẫn có thể lĩnh ngộ sâu sắc sự từ bi của hoa sen.
Đi qua những con đường nhỏ của núi rừng, hàng tùng bách cổ thụ xanh biếc hai bên đường, vì đã nhuộm hương khói của Phật Đà nên cũng trầm ngâm như mang đầy Thiền ý. Tiếng chuông trống vang vọng, đánh thức những linh hồn còn đang lạc lối, Phạn âm chuốc say những tư tưởng vốn nóng vội, lúc này Phổ Tề thiền tự đã mở cánh cửa thâm nghiêm trang trọng chờ bạn, bày ra phong cảnh thanh tịnh vô trần, cũng kể cho bạn nghe câu chuyện gió mưa của trăm ngàn năm. Hoa sen trong đầm Hải Ấn mơ màng hé nở, dù là cô độc như nước, cũng mỉm cười mọc giữa lòng nước. Làm một đóa sen ngủ trước Phật là mong ước đời này của biết bao chúng sinh, ướp đẫm đàn hương cổ mộc, lặng nghe kinh kệ Phạn âm, bầu bạn với chuông sớm trống chiều, không cần nhập thế, không cầu danh vọng.
Bước vào điện Đại Viên Thông, khi bạn ngẩng đầu đối mặt với Quan Âm Bồ Tát trong điện, chỉ trong sát na, đã có thể khiến bạn tự tưởng tượng rằng, ngài kiên trì ngồi trên đài sen là để đợi bạn đến, đây là duyên phận không hẹn ước nhưng lại tương phùng, nên càng ghi nhớ khắc sâu. Trên hai vách tường đông tây có Bồ Tát đủ mọi hình dạng, được gọi là Quan Âm, dùng những thân phận khác nhau để giáo hóa thế nhân. Cho dù là một hạt bụi trần nhỏ nhoi, ngài cũng sẽ ban cho bạn sự thương xót và từ bi như thế, khiến cho Phật quang phổ chiếu đến sinh mệnh và linh hồn bé mọn của bạn.
Nếu nói vì muốn thắp nén nhang trên chùa Tuệ Tề nên mới leo lên núi Phật Đỉnh, chẳng thà nói là bị mê hoặc bởi mây mù trùng trùng trước mặt còn hơn. Ngọn núi Phật Đỉnh như ảo như mộng chìm trong biển mây mù khói, phảng phất như chốn non bồng tiên cảnh, sẽ khiến bạn không kìm được ham muốn đi xuyên qua biểu tượng của tầng mây đó, đến với chân thân của nó. Tự do giữa tầng mây, bước đi nhẹ nhàng, ảo cảnh thần kỳ như thế đủ để khiến bạn vứt bỏ hết thảy công lao và những thứ quý giá trên thế gian, cam tâm tình nguyện trả trước một đời để chìm đắm nơi này. Cho dù khi tỉnh lại, thế nhân đã đổi khác, biển biếc hóa nương dâu, cũng không hề hối hận.
Trong gió nhẹ mưa bụi, vừa hay trước mắt xuất hiện một họa quyển ngàn năm, tên của bức họa là: Đa thiểu lâu đài yên vũ trung (Biết bao lâu đài trong mưa khói). Đi qua núi rừng và biển mây trong bức họa, vô số lâu đài chùa miếu sẽ giải phóng hoàn toàn những kỳ ảo và Thiền ý, một cảm giác tinh khiết và ung dung hiện hữu khiến cho ta và sự vật cùng quên nhau. Mà lúc này, bạn sẽ tưởng tượng mình là một cao tăng đắc đạo, tay nắm thiền trượng, đi đi lại lại xuyên qua mây. Trong khoảnh khắc, bờ bên này là hoa sen tịnh thổ, bờ bên kia là hồng trần vạn trượng.
Đi trên đường vòng quanh co trong rừng, lắng nghe tiếng tiếng sóng lô xô, cảm tạ trời đất thuần túy, trong lúc hữu ý vô ý, không biết một phong cảnh nào đó lại có liên quan đến sinh mệnh. Cuộc gặp gỡ ở chùa Pháp Vũ chẳng phải là ngẫu nhiên, cũng không phải là tất nhiên, có lẽ bạn sẽ không dừng bước lại một cách nặng tình, nhưng nhất định không thể bỏ lỡ một cách hờ hững. Lầu gác trập trùng tọa lạc sâu tít trong mây, cảnh tượng cao xa, khí tượng phi phàm, bên trong đó chứa đựng muôn vàn tượng Phật, nghiêm trang diệu pháp.
Vân Thủy Thiền Tâm, nghìn năm lưu chuyển, có thuyết nói nơi này Quan Âm đã từng hiện thân, nơi này cao tăng Từ Hàng[1] đã từng phổ độ. Có người đến, rồi lại đi, chỉ là khách qua đường nơi chân trời. Có người đi, rồi lại về, làm người ở lại tự viện này. Gió nhẹ như nước, nơi đây không thích hợp để đối tửu trường ca, trăng sáng vô trần, nơi đây chỉ cho phép tĩnh tọa nghe Thiền. Rời đi theo con đường đã đến, kiếm tìm phong cảnh tươi sáng hơn ở phía trước, quá trình ngoái nhìn hàm chứa một phần của sự thức tỉnh, khiến bạn cảm thấy đời người như Thiền, càng dấn sâu càng cô độc, thế vị như trà, càng uống càng nhạt nhẽo.
[1] Cao tăng Từ Hàng hay đạo nhân Từ Hàng là một cách gọi khác của Quan Âm Bồ Tát.
Phong cảnh dừng lại, nhưng suy nghĩ vẫn chuyển động, cùng sóng bước với nó còn có đôi mắt, cả hai đều đang dõi tìm ở phía xa. Tượng đồng Nam Hải Quán Thế Âm dùng hào quang muôn trượng của người để lôi kéo và giữ lại linh hồn của chúng sinh, để bạn tiến lại gần ngài, với một lòng thành kính khôn xiết từ bấy lâu nay. Khoảng cách xa đến gần này, khiến bạn không dám lơ là chút nào, chỉ sợ chớp mi một cái, ngài sẽ quay người, đi lướt qua bạn. Cho đến khi bạn đứng dưới đài sen của ngài, ngước mắt nhìn ngài, cùng nghe thấy hơi thở của nhau, mới có thể thực sự an nhiên thanh thản.
Quá trình không lời ấy như mây trắng nhô trên đầu núi, tựa như hoa nở gặp Phật, khiến vạn vật thư thái, hương thầm lan toả. Không cần chùa miếu che chắn, không cần lầu gác trang hoàng, Nam Hải Quan Âm đứng giữa trời đất bao la, bình thản ung dung nhìn vạn vật phồn hoa, độ hóa cho hết thảy chúng sinh của Đại Thiên thế giới. Một lần gặp gỡ vậy thôi, dù tương lai vật đổi sao dời, cũng không thể quên ngài, dù sau này cách trở vạn nước ngàn non, bạn cũng chưa hề xa ngài. Cho dù nhân thế hỗn loạn khiến bạn xa rời yêu hận, xóa nhòa buồn vui, cái liếc mắt đầy thiện ý hiền từ của ngài, cũng đủ khiến bạn từ đây chỉ muốn tồn tại một cách thuần khiết, sống một cách từ bi.
Có cơn gió nhẹ thoảng qua thổi tà áo của người khách qua đường phơ phất, đó là một kiểu lôi kéo không lời. Chỉ nghe thấy tiếng lá tre xào xạc, dường như đang nhắc nhở bạn nơi này còn có một chốn thâm u không thể bỏ lỡ. Rừng Tử Trúc là nơi Quan Âm ngồi thiền tu luyện, mặc dù không thể tìm thấy tiên cốt thanh cao của ngài trong rừng trúc vi vu tiếng gió, nhưng lại có thể cảm nhận được thân ảnh vô hình huyền ảo của ngài tồn tại ở khắp mọi nới trong bầu không khí. Ngẩng đầu nhìn tầm biển gỗ bên trên viết “Bất khẳng khứ Quan Âm viện”, danh xưng khác biệt này gợi người ta nhớ đến nguồn gốc của nó.
Năm thứ hai niên hiệu Trinh Minh đời Hậu Lương, nhà sư người Nhật – Tuệ Ngạc rước tượng Quan Âm từ Ngũ Đài Sơn về nước, đi thuyền qua biển Phổ Đà gặp phải cản trở, cho rằng Bồ Tát không muốn đi về phía Đông bèn để lại pho tượng Phật bên bờ, sau có một cư dân họ Trương tiến cúng, xây dựng nên tòa “Bất khẳng khứ Quan Âm viện”. (Viện Quan Âm không chịu đi) Dạo quanh trong thiền viện vô trần, tâm cũng theo đó mà tĩnh tại, dường như một cây nhang cũng có thể thiêu đốt những năm tháng trôi xa, một chiếc mõ cũng có thể đánh thức thời gian tịch mịch, một quyển kinh cũng có thể thay đổi số mệnh đã định, một ống sáo trúc cũng có thể thổi tan lời thề hẹn non nước.
Tiếng chuông là một kiểu kêu gọi, cũng là một kiểu vẫy tay từ biệt, thời gian lúc này dường như không cho phép bạn dừng lại quá lâu, bất cứ sự lưu luyến nào cũng đều bị coi là phiền nhiễu. Đều nói năm tháng ngắn ngủi, nhìn lại quá khứ, rốt cuộc là thời gian đuổi bạn đi xa, hay bạn đã lướt qua ngày tháng? Có lẽ đức Phật cũng không thể cho bạn một đáp án chính xác, nếu quá khứ đã thành hồi ức, vậy hãy trân trọng tương lai, bởi vì tương lai ẩn chứa những thiền cơ sâu sắc hơn nữa. Núi Phổ Đà, bao nhiêu người từng đến nơi này, không kìm được ham muốn vứt bỏ hết ngày tháng của thế tục, lại có biết bao nhiêu người đến nơi này, vô tình quên lãng mọi phồn hoa của chốn đô thành. Mà hết thảy, đều có nhân quả, đều là số mệnh.
Duyên đến duyên đi như thủy triều lên xuống, lúc đến sóng xô trùng trùng, dào dạt vỗ bờ, khi đi biển biếc sóng xanh, trấn tĩnh ung dung. Một chuyến đi để chứng ngộ cho một lần vượt qua thử thách, một lần tìm kiếm trở thành một phần hoàn mỹ. Nhiều năm về sau, Phổ Đà trong ký ức là một bình rượu ngon được nút kín, không màu cũng không vị; là một khúc huyền ca lâm ly, không điệu cũng không âm; là một hạt bụi trần phiêu lãng, không đến cũng không về.
Nga My tươi đẹp
Chặng đường nhân sinh của mỗi con người, đều là đi vào và ra khỏi trần thế, trong suốt chặng đường đó, người ta cảm nhận được sự ý vị nên thơ giữa trong và ngoài giấc mộng. Đi qua những ngõ ngách nhỏ hẹp của cuộc sống, vươn tới những không gian xa hơn, non xanh vạn dặm, sông dài trăm đời, gió mây vô cùng vô tận thu trọn trong
tầm mắt. Cảnh tượng của hiện tại hết thảy đều đổ bộ xuống núi Nga My – ngọn núi có danh xưng “Nga My thiên hạ tú”. Nga My[2], chỉ đọc hai từ này, ta đã cảm thấy như một nàng thiếu nữ thanh tao không vướng bụi trần, có hàng lông mày mềm mại, phong thái uyển chuyển, tự tại vụt qua trên ảo cảnh mênh mang sương khói, giữa đỉnh non cao trăng sáng như gương.
[2] Nga My: Lông mày của người đẹp.
Thời gian giống như một dòng chảy trong vắt, cuồn cuộn không ngừng; cảnh vật hưng thịnh một cách hân hoan, sinh sôi bất tận. Núi Nga My xa xôi, tựa như một miếng mỹ ngọc không tì vết khảm vào trời đất, tư thế tựa sen, tinh thần tựa Phật, xuyên qua lớp áo khăn mỏng mảnh của khách vãng lai, tới thẳng nơi sâu thẳm của linh hồn. Nhìn tầng không cao xa, sông núi vạn cổ, bạn sẽ thấu hiểu một cách sâu sắc, nhân sinh là một kiểu “xả thủ” (giữ lấy và từ bỏ), muốn có một thế gian thuần túy, tĩnh lặng như nước, thì phải từ bỏ ngũ vị[3] hồng trần, khói lửa nhân gian.
[3] Ngũ vị là cay, đắng, ngọt, mặn, chua, ngũ vị hồng trần để chỉ mọi trạng thái sướng khổ vui buồn của đời người.
Có người lưng đeo túi thơ, có người tay chống thiền trượng, có người vác cây cổ cầm, có người cầm thanh kiếm lẻ, bọn họ đi qua gió Đường mưa Tống, mang theo trần ai của trời Nam đất Bắc, cùng với hoàng hôn của mỗi ngày, trải hết gió sương mưa tuyết của mỗi mùa. Có sự sáng tỏ như Dương Xuân Bạch Tuyết, thấu triệt như Vân Thủy Thiền Tâm, cũng có sự lạnh mát như nước chảy hoa trôi, khoáng đạt như ân oán sòng phẳng. Tháng ngày đã qua đậu lại trên cơ thể, đến đến đi đi, đều là khách qua đường chốn nhân gian, chỉ có tiên cảnh Nga My này, Phật quang trên Kim Đỉnh, trước sau vẫn chưa từng thay đổi dung nhan của ngày hôm qua.
Cảnh thứ nhất: Phật quang Kim Đỉnh
[Mặt trời mọc]
Ngắm mặt trời mọc, cũng như trong đêm đen đợi bình minh, khi hoa rụng chờ hoa nở, như sự lột xác của sâu bướm, từ thô mộc đi tới hoàn mỹ. Đứng trên bờ rộng rãi của cuộc đời, gió mát thổi bay những suy nghĩ mơ hồ trước đó, ngày tháng cũng vì thế mà trở nên lâu dài, tĩnh mịch hơn. Mặt trời mọc đằng Đông, trời đất giao thoa, mấy ráng đỏ xen lẫn mấy đám mây màu viền vàng, lững lờ trôi trên màn trời màu xanh tím.
Trên đỉnh núi, một vầng mặt trời đỏ từ từ nhô cao, dần dần chuyển thành một mảnh khuyết nhỏ, rồi sang hình bán nguyệt, cuối cùng là tròn đầy, một cung độ hoàn mỹ, giống như một sự lãng mạn không lời lướt qua tâm hồn mềm yếu. Vọt lên cao trong khoảnh khắc, mang theo một vệt sáng rồi biến mất trong chớp mắt, vầng mặt trời đỏ chói lọi như khảm nơi chân trời, mộng ảo ban nãy cũng bị thức tỉnh hoàn toàn.
Ráng trời vạn trượng, toàn bộ núi Nga My tắm mình trong sắc vàng, hai dòng sông Thanh Y và Đại Độ phía xa trông như hai dải lụa trắng, bao quanh ngàn núi vạn non, là nơi phong cảnh hội tụ, cảm xúc giao thoa. Còn có Đại Tuyết sơn chập chùng liên miên, nằm nghiêng nghiêng trên đỉnh ngọn núi, bị ráng trời gọt giũa thành ngọc trắng khắc hoa, khí chất lóng lánh như ảo như mộng.
Mặt trời mọc trên Kim Đỉnh, mỗi ngày đều khác nhau, dù bạn có ngóng chờ đến mức hóa thành một pho tượng, cũng không thể nào bắt gặp những cảnh sắc giống nhau, vẻ đẹp của nó chính là vẻ đẹp muôn hình vạn trạng. Thực ra mặt trời mọc cũng giống như mặt trời lặn, chỉ vì sự khác biệt giữa ráng trời sớm ló dạng phương Đông và tịch dương chìm trong hoàng hôn, đã đem đến cho người ta một cảm giác đổi thay biển biếc hóa nương dâu. Tuy nói đời người ngắn ngủi, nếu bạn đánh mất ngày hôm qua, vẫn còn ngày hôm nay mới mẻ, cho dù bạn bỏ lỡ sớm nay, thì vẫn còn ngày mai tươi đẹp. Mặt trời mọc trên Kim Đỉnh vẫn bình tĩnh chờ đợi từng người, dù qua năm này tháng khác.
[Biển mây]
Đuổi theo biển mây cũng như đuổi theo một đoạn thời gian kiếp trước, chỉ cầu ý niệm, không hỏi nhân quả. Biển mây như sóng cả cuộn trào dần dần che lấp núi sông không còn dấu vết, vạn sự nhân gian cũng theo đó mà trở nên mơ hồ mông lung. Biển mây mênh mông phô bày cảnh tượng vô bờ vô bến, khi mờ mịt như chốn bồng lai tiên cảnh, khi sáng rõ lại như nước thu gió lạnh, khi cuồn cuộn tựa như vạn ngựa tung vó, khi rộng khắp tựa trời xanh biển biếc.
Đại Hùng bảo điện cũng bị bao trùm trong sương mù màu trắng, tuy không nhìn ra được sự trang nghiêm hùng vĩ của nó, nhưng có thể nghe thấy Phạn âm mà các Thiền sư ngâm tụng, tiếng ngâm xướng khẽ khàng ấy mang theo một sức mạnh vô hình, nó xuyên qua mây mù mờ mịt, đánh thức bạn giữa làn mây khói, để lại bước vào một Thiền cảnh khác. Còn có pho tượng Phật Thập Diện (Phật mười mặt) trước bảo điện, Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi thần, như thể cưỡi mây trời giáng phàm, khi mây mù tan đi mới có thể nhìn thấy kim quang sáng lòa tỏa chiếu từ thân ngài, vô tư chiếu rọi khắp nẻo sơn hà.
Mây bóng lồng nhau, như thế giới huyền ảo Đại Thiên Như Lai, ngàn vạn vách đá hang đá ẩn hiện trong biển mây tựa như Phật Đà thiền tọa, Phật pháp mênh mông, bao la vô hạn. Chỉ khi bạn leo lên đỉnh Nga My tuyệt sắc này, nhìn hết vạn trạng mây khói, bạn mới hiểu rằng, hàng trăm nghìn năm qua, tại sao lại có biết bao nhiêu người cam tâm tình nguyện bỏ thân dưới vách đá, có lẽ họ không muốn thành tiên thành Phật mà chỉ không kìm nổi trước sự mê hoặc của sóng tuyết sóng mây, liền quả quyết bay qua mê cảnh của biển mây.
Biết rõ rằng một cú tung thân nhảy qua đó là kết thúc một đời người, nhưng vẫn lao đi không hề luyến tiếc, quyết liệt dứt bỏ chốn phù dung hoa lệ của thế gian, để đánh đổi lấy số phận dứt mộng trần ai. Không cần hỏi đây là đường mê hay lối về, bất cứ sự giải thích nào cũng đều trở nên nhỏ nhoi trước biển mây này. Trút bỏ hết thảy trang sức sẽ hiểu được rằng, có một loại vạn vật gọi là mênh mang, có một loại Phật pháp gọi là vô biên.
[Phật quang]
Yên lặng đợi Phật quang cũng như yên lặng chờ đợi một kỳ tích tươi sáng nhất của cuộc đời, không cần hẹn ước, cuối cùng vẫn tương phùng. Trên đỉnh Nga My, trên Kim Đỉnh, khi ánh dương và mây mù giao nhau, thường xuất hiện Phật quang lung linh bảy sắc cầu vồng. Trong kinh Phật có nói, Phật quang là ánh sáng phát ra từ giữa hai hàng lông mày của Phật Thích Ca Mâu Ni, giống như một đóa sen vàng, thanh khiết vô tư chiếu rọi vạn dặm càn khôn.
Vì thế, có khách hành hương như mây đi qua vạn nước nghìn non, mang theo tín ngưỡng mãnh liệt trèo núi cao, chỉ vì bị lây nhiễm sự huyền ảo rực rỡ của Phật quang vô biên đó. Trèo lên Kim Đỉnh, xuyên qua ánh dương lung linh và khói mù mờ mịt, nhìn thấy Phật quang bảy sắc, rực rỡ tỏa sáng, lại trong vắt như gương. Bóng sáng kỳ diệu khôn xiết đó phản chiếu lên người, ta đưa tay nhấc chân, bóng luôn theo hình. Càng thần kỳ hơn nữa là dù có hàng vạn người cùng chiêm ngưỡng, nhưng người xem cũng chỉ có thể nhìn thấy chiếc bóng của chính mình, mà không thấy bóng của người bên cạnh. Là sự huyền ảo mà tự nhiên ban tặng, nên mới có thể có được cảnh sắc mỹ lệ nhường này, những thước phim quyến rũ về non sông vô hạn ấy, khiến cho du khách đắm chìm trong chiếc bóng của chính mình, say đắm không thôi.
Phật quang treo lơ lửng trên Kim Đỉnh Nga Mv, nhẹ tựa dây leo, mộng như Nam Kha, mang ánh sáng đến cho người đang hoang mang, mang lại sự ấm áp cho người cô lẻ. Đây là ánh sáng của từ bi, là ánh sáng cứu vớt thế giới, cũng là ánh sáng may mắn, nó cười ngạo biển xanh, cứu độ hết thảy chúng sinh, kinh qua trăm đời, hóa thành nương dâu. Người ta nói, những người có duyên với Phật mới có thể nhìn thấy Phật quang, thực ra đức Phật nhân từ, Phật quang mang lại ánh sáng, hơi ấm cho tất cả vạn vật sinh linh, duyên sâu hay duyên mỏng, đều là ngộ tính của mỗi người.
Hồng trần ở bờ bên này, Phật giới ở bờ bên kia, giữa bờ bên này và bờ bên kia, chỉ cách nhau năm tháng như khói mây. Hai bên nhìn nhau, cùng trân trọng nhau, nhưng vĩnh viễn không thể bên cạnh nhau. Mà khoảng cách trở thành vẻ đẹp thiên cổ, khiến cho vô số thế nhân tới Nga My cũng chỉ vì sự từ bi của đài sen này. Đến đến đi đi, giống như Phật quang cảnh ảo, không cần chờ đợi gặp gỡ, cũng không cần sợ hãi ly biệt. Quay đầu nhìn lại đỉnh núi mênh mông, ánh Phật quang sáng lòa trên Kim Đỉnh đó, vẫn còn vì ai chiếu rọi một quãng thời gian như nước?
[Thánh đăng]
Truy tìm Thánh đăng (đèn Thánh) cũng như trong đêm tối tìm một con đom đóm, như ẩn như hiện, mù mịt khó nắm bắt. Thánh đăng và Phật quang tựa như sự thay đổi giữa ban ngày và ban đêm, nó mang theo sự thần thánh và thanh tịnh của Phật khiến cho khách qua đường chốn hồng trần phải truy tìm, nhưng nó lại chưa từng phụ bạc ai. Trong đêm đen gió lộng, xả thân dưới vách đá của Kim Đỉnh, bỗng thấy ánh sáng như đom đóm, từ vài đốm dần dần biến thành vô số, bồng bềnh giữa sơn cốc thâm u tĩnh mịch, lập lòe bất định. Đó chính là Thánh đăng, nó trôi nổi giữa những vách đá, uốn lượn không để lại bóng dáng, từng đốm sáng huỳnh quang mang lại cho người gặp cảm giác được tái sinh trong khốn cùng. Nó không giống như trăng sáng sao sớm, lửng lơ trên bầu trời thênh thang, cho dù bạn ở bất cứ đâu đều có thể nhìn thấy. Sự kỳ diệu của Thánh đăng nằm ở chỗ, nó như một giai nhân tuyệt sắc, thoắt ẩn thoắt hiện trong u cốc, duy chỉ có trên núi cao cheo leo hiểm trở, mới có thể tìm thấy dấu tiên, gặp được giai nhân.
Kim Đỉnh trên Nga My là nơi ngắm Thánh đăng đẹp nhất, từng đốm từng đốm lửa như sao băng vụt qua, xưa đi nay đến, lưu giữ biết bao linh hồn khi mờ khi tỏ của biết bao người xem. Chính vòng sáng của Thánh đăng, đã chiếu sáng sự u ám của bốn bề, khiến cho người đến thông suốt, người đi sáng tỏ; khiến người tụ lại trấn tĩnh, người ly tán ung dung. Có những người rong chơi giữa phong cảnh ban ngày, có những người say sưa giữa mộng cảnh ban đêm, cho dù là trong sáng hay là sâu sắc, đều có lý do để đam mê. Khi người tìm kiếm vội vã đi xa, dải thánh đăng sáng lập lòe ấy chờ đợi bình minh là vì ai?
Cảnh thứ hai: Chùa Vạn Niên
Cảnh ảo mây khói giăng tỏa được vén ra, một vùng trong sáng, cao xa của mùa thu nước trong leo lẻo gió mát hiu hiu hiện lên trong tầm mắt. Trước trời cao mây thu, nước trắn bên hồ, chùa Vạn Niên đã trải qua nghìn năm, không màng nhân quả, chẳng can số mệnh. Đi qua ngày hôm qua đầy ắp tiếng suối chảy róc rách, theo từng câu chuyện cũ lá phong nhuộm đỏ, đứng trước cánh cửa trang nghiêm của ngôi chùa cổ, ngắm màn khói lửa thời Tấn, nghe Phạn âm triều Tống, tìm bóng dáng thời Minh.
Bước vào tòa minh điện xây bằng gạch không có cột kèo, quan sát tòa kiến trúc thần kỳ này, những lớp hoa văn trang trí trang nhã trên tường làm tôn lên vẻ tĩnh mịch, trang nghiêm của Phật điện. Không cần tìm kiếm, đã thấy ngay tượng Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi trắng đang nghiêm trang nhìn bạn, trên đầu ngài đội mũ vàng Ngũ Phật, tay cầm như ý, tư thế trọn vẹn, thần thái sinh động. Con voi trắng sáu ngà mà ngài cưỡi khí thế hùng hồn, gánh vác sứ mệnh, đứng trên đài sen, đã trở thành tượng trưng cho Phổ Hiền Bồ Tát. Họ (tượng bồ tát và voi trắng) bảo vệ cho lầu gác điện đài của chùa Vạn Niên, bảo vệ cho cảnh non xanh nước biếc của Nga My, có lẽ họ dễ dàng bị người đời quên lãng, nhưng cũng dễ dàng được người đời nhớ ra.
Mây trắng nhẹ bay, nước thu trong vắt, nơi đây từng có tăng nhân đời Đường gẩy đàn cho thi tiên Lý Bạch nghe, Lý Bạch cũng từng làm bài thơ “Thính Thục tăng Tuấn đàn cầm” (Nghe nhà sư Tuấn của đất Thục gẩy đàn), thơ rằng: “Thục tăng bão lục y, tứ hạ Nga My phong. Vị ngã nhất huy thủ, như thính vạn hác tùng. Khách tâm tẩy lưu thủy, dư hướng nhập sương chung. Bất giác bích hải mộ, thu vân ám kỷ trùng.” (Trần Trọng Kim dịch thơ: Nhà sư ôm một cây đàn, từ Nga My xuống đi sang nơi này. Vì ta một bận vẫy tay, dường như muôn suối vang đầy tiếng thông. Nước tôi rửa sạch cõi lòng, dư âm hòa lặn tiếng chuông sương mờ. Núi xanh chiều xuống không ngờ, tối tăm bốn phía mây thu trập trùng) Nghe nói trong đầm Bạch Thủy còn sinh ra một loại ếch tinh khôn biết chơi đàn, khi du khách tới, chúng thường phát ra những tiếng kêu vui tai, tựa như tiếng đàn réo rắt du dương, tuyệt diệu không thể nào tả xiết. Chuông đồng treo trên góc thềm đung đưa vang lên những tiếng tính tang trong trẻo tựa thời gian trôi, luôn có những người đứng trước lò hương đồng lốm đốm vết han gỉ nhớ lại sự phồn thịnh của những ngày đã qua. Lúc ấy không nghe thấy tiếng đàn, mà dường như nghe thấy tiếng ếch kêu, âm điệu như nước chảy mây thu ấy liệu có đang vang lên ở một nơi khác, hoặc chỉ có người phong nhã mới có thể nghe thấy âm thanh tuyệt diệu năm đó?
Do nhuốm màu hương khói, nên ngói lợp ngả sang màu đen sậm; do Phạn âm ngâm nga, nên lầu gác thanh đạm như được tẩy rửa. Một tầng cửa lớn, mấy cánh cửa sổ, thấp thoáng bóng dáng người xưa, chỉ có tiếng thở dài của người nay là hiện hữu. Dường như những người đến đến đi đi đều thích tìm kiếm những được mất của bản thân, thực ra giữa được và mất, giữa đến và đi, có quá nhiều vướng mắc không thể giải thích rõ. Đi vào trong ngưỡng cửa, vướng mắc cũng kết thành một kiểu Thiền ý giác ngộ, nhưng
ra khỏi ngưỡng cửa, vướng mắc đã trở thành một kiểu truy tìm vô nghĩa.
Cảnh thứ ba: Gác Thanh Âm
Nếu như nói Thanh Sơn là một chiếc áo xanh vắt ngang núi Nga My, vậy thì Bích Thủy là viên ngọc phỉ thúy treo lơ lửng trước ngực Nga My. Vào trong gác Thanh Âm, khi bạn vẫn chưa hết nỗi mệt mỏi trong chặng hành trình, thì gió nhẹ trên đường núi, nước chảy giữa suối khe đã âm thầm xâm lấn trái tim bạn, thời khắc ấy, đến gió bụi phong trần cũng trở nên tinh khiết.
“Hà tất ti dữ trúc, sơn thủy hữu thanh âm.” (Dịch nghĩa: Hà tất cần đến tơ và trúc, non nước vốn cũng có thanh âm) Gác Thanh Âm được đặt tên theo câu thơ này, âm thanh thiên nhiên của non và nước còn tuyệt diệu hơn cả âm điệu réo rắt của đàn sáo. Phong cảnh nơi này sáng sủa như đã từng được gió núi tẩy rửa, thanh tịnh như đã được nước suối ngâm sâu. Nó không vì bạn vô tình lạc bước mà nảy sinh những trần ai buồn thảm, nó có thể tô điểm cho vô số mộng cảnh Thiền ý của khách qua đường, mà những du khách đến đây đều không thể nào cất giữ nổi khoảnh khắc nó trôi qua.
Gác Thanh Âm cũng được gọi là chùa Ngọa Vân, cái tên này liên quan đến sự tích Thiền sư Thông Tuệ xây dựng chùa vào năm Càn Phù thứ tư đời Đường Hy Tông. Dưới gác có hai cây cầu, giữa hai cây cầu là một ngôi phi đình sừng sững tọa lạc, hai dòng suối Hắc – Bạch trong vắt chảy qua dưới chân cầu, sóng trắng tuôn trào, vỗ ùa vào những tảng đá lớn hình dáng như tim trâu trong đầm Bích Đàm. Đá tim trâu bị dòng nước mài mòn bóng loáng như gương, dường như soi thấy cả ngày tháng của hàng triệu năm về trước, nó đứng đó trải qua những tụ tan của bèo trôi, nhìn quen những cảnh quan lướt qua, tâm trạng vẫn ung dung bình thản như dòng nước suối.
Sóng cả xô đá, hất tung bọt sóng như ngọc vỡ, thanh âm róc rách, tựa như cổ cầm tấu khúc, lúc thì trong trẻo, lúc thì trầm ngâm, lúc lại du dương, lúc lại sang sảng. Vào đêm trăng thanh gió mát, vào lúc vạn vật tĩnh lặng, tiếng nước trong trẻo văng vẳng giữa rừng sâu sơn cốc, toàn bộ gác Thanh Âm chìm trong khung cảnh siêu trần thoát tục. Cao tăng các đời và vô số lữ khách từng ngồi trên đài Tẩy Tâm trước đầm nước, lắng nghe thanh âm trong trẻo của nước chảy, tâm như hoa sen, kiên trì gìn giữ vẻ đẹp thuần túy thanh tịnh.
Phật Tổ vô cùng sáng suốt, khi bạn muốn bước hẳn vào trong, người sẽ cách xa bạn một khoảng vừa phải. Khi bạn định đi ra ngoài, người lại nhẹ nhàng giữ chân bạn lại. Gác Thanh Âm là nơi lưu giấu linh hồn, mỗi một người đến đây đều nguyện ý gửi những năm tháng tuổi trẻ vào trong tháng ngày tĩnh lặng này, cho dù phải để lại một nửa thời thanh xuân, cũng không thay lòng đổi ý.
Khi bước chân truy tìm dừng lại ở điểm khởi đầu mới, điều không thể quên được chính là tình cảm của quá khứ. Nhìn lại gác Thanh Âm, nhớ lại phong cảnh sắp nhạt nhòa, tháng năm rồi sẽ già đi, ai sẽ là người hối hận, vì đã từng có một khoảng đời được bồ đề thanh tẩy như thế?
Cảnh thứ tư: Nhất Tuyến Thiên
Đi qua khung cảnh non nước trập trùng, có một đoạn đường khói bụi, chính là con đường thông với khe Bạch Vân (Bạch Vân giáp). Bên ngoài khe núi quang đãng sáng sủa, tầm nhìn hút mắt, bên trong khe núi mát mẻ thâm u, khúc khuỷu quanh co. Bước vào trong khe, ngẩng đầu nhìn Nhất Tuyến Thiên (một dải trời) trên đỉnh núi cheo leo, cảnh tượng ấy giống như một tòa núi lớn nguy nga chọc trời, lại bị năm tháng sắc bén như đao chém xuống, cắt thành những bức tường vỡ vụn, thưa thớt xiêu vẹo, mới để lộ một dải trời xanh biếc. Khung cảnh đặc biệt do thiên nhiên tạo nên ấy mang tới cho con người một đoạn đường nguy hiểm cùng một luồng tư tưởng khoáng đạt vô biên.
Thời gian vụt qua, mở ra những nội dung mà núi non đã đóng kín, giải phóng sự hoa lệ của ngàn đời. Để người lữ hành bước vào không gian nhỏ hẹp này cảm nhận được sự kỳ diệu của thế giới trong cốc, cho dù đây là một hành trình cực kỳ nguy hiểm, nhưng vẫn có rất nhiều người tình nguyện đi từ chốn trời cao đất rộng đến chỗ đường hẹp quanh co, để lưu lại những ấn tượng hoành tráng, hoàn mỹ trong cuộc đời.
Bước qua con đường núi vòng vèo, gió mát rười rượi như từ thời viễn cổ thổi về, khe khẽ kéo tay nải của bạn, làm lay động vạt áp bạn. Dòng suối ào ạt chẳng dứt, chảy men theo sơn đạo quanh co, lượn lờ xoáy vòng, một dòng nước nhỏ chảy theo hai bờ vách núi, uốn cong linh hoạt, cảnh tượng thanh tĩnh u nghiêm. Những hòn đá cuội như châu như ngọc nằm im dưới lòng hồ sâu, xanh đỏ trắng đen, đẹp lung linh trong ánh sáng vỡ vụn dưới lòng nước.
Ở nơi này, ánh sáng mặt trời chỉ nhàn nhạt, nó chiếu xuyên qua giếng trời Nhất Tuyến Thiên, rọi tới tận những góc nhỏ ẩm ướt xanh rêu, nhưng nó không biết cử động đa tình ấy lại khiến sự tĩnh lặng và mát mẻ chỉ có trong sơn cốc lặng lẽ bốc hoi. Gặp nghịch cảnh mới tỏ rõ bản sắc anh hùng, ở trong khe cốc mới biết càn khôn rộng lớn, mọi tranh giành danh lợi chốn thế gian chẳng qua cũng chỉ là một đoạn nhạc nền trong cuộc phong vân biến ảo lớn lao mà thôi.
Hy vọng sẽ được tái sinh sau khi tuyệt diệt, khi bạn vượt qua cảnh ngộ khốn khó, tư tưởng của bạn sẽ phá vỡ mọi xiềng xích giam cầm của số mệnh, kỳ tích trong mơ há phải đâu là xa xôi? Ở nơi sơn cốc không thấy bầu trời này, ở chốn thâm u ẩn chứa gió mây này, sau cơn im ắng, nhờ có đôi cánh tinh thần, những người tìm kiếm sẽ xuyên thủng tầng mây, lẩn nữa thưởng thức muôn vàn khí tượng, sự lãng mạn của núi sông trên thế gian.
Dù bạn có muốn cất giữ mỗi một hình bóng sinh động của Nga My đến đâu, nhưng đời người luôn có rất nhiều phong cảnh mà bạn không thể nào ngắm hết. Hiện thực sẽ dẫn bạn ra khỏi mộng cảnh mơ hồ, hoa sen trong tâm bung nở cánh hoa cuối cùng, những kẽ hở của tư duy cũng nhân đó nuốt trọn mùi hương thoang thoảng còn sót lại. Và tay nải nặng trĩu trên vai đang nhìn bạn khoan thai đi khỏi thánh cảnh Phật quốc.
Có nhiều khi, bạn ngỡ rằng mình đang đến rất gần Phật, nhưng thực ra bạn vẫn chỉ là một khách qua đường của hồng trần đứng bên ngoài ngưỡng cửa, mà khoảnh khắc đi lướt qua đó đã ngoái lại nhìn. Khi bạn thực sự giác ngộ được Thiền, sinh mệnh cũng thấu triệt, cho dù chỉ là một đóa sen trước Phật cũng có phong vận riêng của nó, bởi vì nó đã hấp thu được sự từ bi mênh mông của Phật giới.
Khói bụi phiêu lãng, gió mây cuộn trào, bước chân vội vã của người tìm kiếm nay đã khoan thai chậm rãi bên rìa Nga My. Rốt cuộc là tháng ngày của nơi đây đã ghìm chân bạn lại, hay là bạn bị kẹt trong ngày tháng này? Nếu không phải thế, tại sao cảnh non xanh nước biếc xa dần vẫn còn quẩn quanh trước mắt; nếu không phải thế, tại sao tiếng tụng kinh gõ mõ sớm đã tan đi vẫn còn văng vẳng bên tai?
Núi Nga My, người trao cảnh sắc tuyệt mỹ nhất thiên hạ cho người khách qua đường vội vã, mà người khách qua đường như nước chảy mây trôi ấy, sẽ để lại những gì cho người? Đây đức Phật từ bi, khi người đối mặt với xiết bao buồn vui tan hợp, tại sao vẫn có thể bình thản trấn định đến thế? Có lẽ, những người khách qua đường ly biệt trong bối cảnh không lời ấy, có một ngày bỗng nhớ ra, đã có một cây bồ đề trong quá khứ, gọi là Nga My.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian